Xử lý chất thải rắn là giai đoạn cuối của quá trình quản lý chất thải, nhằm mục đích giảm về mặt số lượng, khối lượng, trọng lượng và độ độc hại của chất thải, từ đó đảm bảo cho chất thải được đưa vào môi trường mà không gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người. Xử lý chất thải rắn là một bài toán hóc búa cho các nhà môi trường, do vậy, pháp luật môi trường có những quy định chi tiết về vấn đề này.1. Quy định về chất thải rắn sinh hoạt
- Khoản 3, Điều 3 Nghị định 38/2015/NĐ-CP về Quản lý chất thải và phế liệu định nghĩa Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.
- Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành 3 nhóm theo Điều 15 Nghị định 38/2015 là:
a) Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật);
b) Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh);
c) Nhóm còn lại.
- Chất thải rắn sinh hoạt sẽ được thu gom theo tuyến để vận chuyển tới điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Quy định về xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Theo Nghị định 38/2015, xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải. Như vậy, sau khi phân loại chất thải rắn sinh hoạt, nhóm chất thải không thể tái chế, tái sử dụng sẽ được đưa đi xử lý, tiêu hủy theo quy định của pháp luật môi trường
Điều 19 Nghị định 38/2015 quy định chi tiết các công nghệ và tiêu chí lựa chọn khi xử lý chất thải
“1. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm:
a) Công nghệ chế biến phân hữu cơ;
b) Công nghệ đốt;
c) Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh;
d) Các công nghệ tái chế, thu hồi năng lượng, sản xuất sản phẩm từ các thành phần có ích trong chất thải rắn sinh hoạt;
đ) Các công nghệ khác thân thiện với môi trường.
2. Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo các tiêu chí sau:
a) Về công nghệ:
- Khả năng tiếp nhận các loại chất thải rắn sinh hoạt, khả năng linh hoạt, phù hợp về quy mô, mở rộng công suất xử lý;
- Mức độ tự động hóa, nội địa hóa của dây chuyền thiết bị; tỷ lệ xử lý, tái sử dụng, tái chế, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt;
- Ưu tiên công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và phù hợp với điều kiện Việt Nam;
- Quản lý, vận hành, bảo dưỡng phù hợp với trình độ, năng lực của nguồn nhân lực tại địa phương.
b) Về môi trường và xã hội:
- Bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
- Tiết kiệm diện tích đất sử dụng;
- Tiết kiệm năng lượng, khả năng thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý;
- Đào tạo, sử dụng nhân lực tại địa phương.
c) Về kinh tế:
- Chi phí xử lý phù hợp với khả năng chi trả của địa phương hoặc không vượt quá mức chi phí xử lý được cơ quan có thẩm quyền công bố;
- Khả năng tiêu thụ sản phẩm từ công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt.
- Trách nhiệm và quyền hạn của chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Theo Điều 22 Nghị định 38/2015, chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt có các trách nhiệm và quyền hạn sau:
“1. Trách nhiệm của chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt:
a) Thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 21 Nghị định 38/2015;
b) Thực hiện đầy đủ các nội dung xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và hồ sơ đề nghị xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt kèm theo nội dung xác nhận. Hồ sơ này là căn cứ cụ thể cho hoạt động quản lý, giám sát môi trường đối với chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
c) Đối với trường hợp được quy định tại Khoản 13 Điều 21 thì phải có phương án trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 7, 8 Điều 21 Nghị định 38/2015 để xem xét, chấp thuận trước khi triển khai hoạt động;
d) Có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước, các bên có liên quan trong trường hợp ngừng dịch vụ xử lý để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp dịch vụ xử lý. Nội dung thông báo phải nêu rõ lý do, thời gian tạm ngừng dịch vụ đồng thời phải có phương án xử lý;
đ) Khi phát hiện sự cố môi trường phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chủ đầu tư, chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra ô nhiễm hoặc sự cố môi trường để phối hợp xử lý;
e) Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý báo cáo, hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định;
g) Trường hợp phân loại được chất thải nguy hại từ chất thải rắn sinh hoạt hoặc phát sinh chất thải nguy hại tại cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì phải chuyển sang quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định tại Chương II Nghị định 38/2015.
2. Chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt có quyền:
a) Được thanh toán đúng và đủ giá dịch vụ xử lý chất thải rắn theo hợp đồng đã ký kết;
b) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan đến hoạt động xử lý chất thải rắn;
c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.”
>>> Xem thêm: