Xác định tội danh là việc xác định xem người đó có phạm tội hay không. Trong các công tác điều tra, truy tố, xét xử trong hoạt động tiến hành tố tụng, việc xác định tội danh là vấn đề rất quan trọng. Vì xác định tội danh đúng mới áp dụng đúng luật, xử đúng người, đúng tội, ra bản án đúng thì người phạm tội mới chấp nhận chịu tội trước pháp luật.Bước 1: Xác định tội phạm
Trong đời sống xã hội có nhiều người có hành vi gây nguy hại cho xã hội, nhưng không phải tất cả các hành vi gây nguy hại cho xã hội đều là tội phạm. Trong Bộ luật Hình Sự (BLHS) hiện hành có quy định, có hành vi tuy có gây nguy hại cho xã hội nhưng không phải là tội phạm như là:
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự);
- Hành vi phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm (quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự);
- Hành vi trong tình thế cấp thiết vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa tới lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa (quy định tại Điều 16 Bộ luật Hình sự)
- Căn cứ về tuổi chịu năng lực trách nhiệm Hình sự (quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự);
“1- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2- Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".
Ngoài các trường hợp mà BLHS quy định không phải là tội phạm và tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự, thì người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, mà hành vi gây nguy hại cho xã hội đó là bị coi là tội phạm, thì họ phải chịu hình phạt của Nhà nước đối với hành vi gây nguy hại cho xã hội mà họ đã gây ra.
Do vậy, để xác định tội phạm các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải dựa vào các yếu tố cấu thành tội phạm là những dấu hiệu bắt buộc để định tội, cụ thể:
- Chủ thể của tội phạm: là con người cụ thể đã thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội có đủ năng lực trách nhiệm hình sự
- Khách thể của tội phạm: là các quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ
- Mặt khách quan của tội phạm: là các hành vi cụ thể biểu hiện ra bên ngoài mà tội phạm thực hiện. Hành vi đó gồm hành vi hành động hoặc hành vi không hành động.
- Mặt chủ quan của tội phạm: là động cơ, mục đích phạm tội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, lỗi.
Tội phạm phải có đủ các yếu tố cấu thành nêu trên thì mới là tội phạm. Nếu thiếu một trong bốn yếu tố thì không cấu thành tội.
Bước 2: Đối chiếu hành vi của bị cáo bị truy tố với dấu hiệu cấu thành của tội bị truy tố
Việc xác định cấu thành tội phạm để phân biệt được các tội danh khác nhau, cấu thành này tạo nên sự khác biệt giữa tội này với tội khác.
Ví dụ: Tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS 1999) qui định “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”
Qui định về cấu thành tội cướp tài sản như sau:
- Chủ thể: người đủ năng lực trách nhiệm hình sự
- Khách thể: xâm phạm về quyền sở hữu tài sản
- Hành vi khách quan: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc hành vi khác
- Hậu quả: làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản
Như vậy, tội cướp tài sản có 4 cấu thành bắt buộc để xác định tội trong đó dấu hiệu hành vi phải dùng vũ lực là dùng sức mạnh vật chất đe dọa lên thân thể nạn nhân làm nạn nhân bị tê liệt về ý chí để chiếm đoạt tài sản hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc là dùng lời nói, cử chỉ làm nạn nhân tin rằng nếu không giao tài sản thì người phạm tội sẽ dùng vũ lực ngay gây nguy hiểm đến tính mạng chủ tài sản. Hậu quả là làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự là nạn nhân không còn khả năng phản kháng, không bảo vệ được tài sản.
Trong quá trình tiến hành tố tụng, trường hợp Viện Kiểm sát truy tố về tội danh thì Thẩm phán xét xử phải đối chiếu hành vi khách quan trong cấu thành của tội phạm với kết quả của Viện Kiểm sát đã truy tố xem có trùng khớp với nhau không. Trong trường hợp “tội cướp tài sản” nêu trên, nếu bị cáo và các hành vi bị truy tố trùng khớp với các cấu thành của “tội cướp tài sản” quy định tại Điều 133 thì xác định tội danh cướp tài sản. Còn nếu một cấu thành của tội khác với hành vi mà Viện Kiểm sát truy tố thì người bị truy tố không phạm tội danh “cướp tài sản”
Tóm lại, việc xác định tội danh theo hai bước nêu trên là phù hợp với lí luận về căn cứ pháp luật dựa trên bốn yếu tố cấu thành tội phạm và phù hợp với thực tiễn về đối chiếu giữa cấu thành phạm tội mà Viện Kiểm sát truy tố với hành vi phạm tội của tội phạm có trùng nhau hay không, nếu không trùng khớp thì phải làm rõ hành vi vi phạm pháp luật đó phạm vào tội nào. Như vậy, việc xác định tội danh là khách quan và đúng đắn.
>>> Xem thêm:
>> Lập vi bằng