Nhân chứng (người làm chứng), người tố giác và những người tham gia tố tụng khác trong các vụ án hình sự là những người đưa ra lời khai hoặc cung cấp các thông tin, kết luận khoa học về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án, góp phần làm sáng tỏ sự thật và giải quyết đúng đắn vụ án. Vì vậy họ có nguy cơ bị người phạm tội hoặc thân nhân của người phạm tội đe dọa, gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp nhằm gây cản trở cho việc điều tra hoặc trả thù.
Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người làm chứng, người tố giác và những người tham gia tố tụng khác trọng các vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp bảo vệ, tạo điều kiện cho họ tham gia cung cấp các thông tin đầy đủ chính xác, không bị ràng buộc bởi bất cứ sự đe dọa, mua chuộc, khống chế nào.
Theo các quy định tại Điều 55 - Bộ luật tố tụng hình sự 2003:
Điều 55. Người làm chứng:
''1. Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng.
Những người sau đây không được làm chứng:
a) Người bào chữa của bị can, bị cáo;
b) Người do có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.
2. Người làm chứng có quyền:
a) Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng;
b) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
c) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.
3. Người làm chứng có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
b) Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.
Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự.''.
Theo quy định nêu trên, người làm chứng có quyền được yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền lợi ích hợp pháp khác khi tham gia tố tụng. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng như các phương án để bảo vệ người làm chứng trong các vụ án hình sự đang được đặt ra cấp thiết.
Hiện nay, nhiều biện pháp để bảo vệ người làm chứng đã được đề xuất, trong đó có các biện pháp như: Di chuyển chỗ ở, bí mật nơi công tác, nơi học tập… của họ, giữ kín danh tính, có chế độ bảo vệ đặc biệt do cơ quan cảnh sát tiến hành, .v.v.. Đây là những biện pháp cần thiết, song nếu áp dụng sẽ gặp không ít khó khăn, phức tạp, bởi con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Khi phải thay đổi lai lịch, bí mật nơi cư trú, nơi làm việc… hàng loạt các quan hệ xã hội sẽ bị gián đoạn cũng như quyền và nghĩa vụ đi liền với các quan hệ đó, gây nên cú sốc và sự xáo trộn về tâm lý không dễ dàng vượt qua cho một con người… Vì vậy, vấn đề này cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc với đầy đủ tinh thần trách nhiệm của người có thẩm quyền và các cơ quan nhà nước.
>>> Xem thêm: