Rửa tiền (tiếng Anh: money laundering) là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách tạo ra vẻ bên ngoài hợp pháp cho các khoản tiền hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội. Chu trình hoạt động rửa tiền có thể tiến hành qua nhiều công đoạn, với các thủ đoạn khác nhau. Với mỗi hành vi cụ thể trong chu trình này đều là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, là một phần cần thiết cho hoạt động rửa tiền nói chung. BLHS 1999 ( sửa đổi, bổ sung 2009) quan niệm có bốn nhóm hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là hành vi phạm tội của tội rửa tiền. Tất cả nhóm hành vi này đều có chung đối tượng là tiền, tài sản có nguồn gốc từ các hoạt động phạm tội như buôn lậu, các tội về ma túy, tham nhũng,…1. Các nhóm hành vi của tội rửa tiền
Theo quy định tại điều 251 BLHS, các nhóm hành vi này bao gồm:
1.1. Nhóm hành vi thứ nhất:
- Hành vi khách quan: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó. Người phạm tội đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch mà đối tượng giao dịch là tiền, tài sản do phạm tội mà có. Các giao dịch ở đây được hiểu là các giao dịch tạo ra sự chuyển đổi, chuyển dịch hoặc thay đổi quyền sở hữu về tiền, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức ( điều 3 NĐ 74/2005/NĐ-CP về phòng chống rửa tiền)
- Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, người tham gia giao dịch biết rõ tính chất bất hợp pháp của đối tượng giao dịch là tiền, tài sản do phạm tội mà có.
- Mục đích: nhằm che giấu nguồn gốc bát hợp pháp của tiền, tài sản đó.
1.2. Nhóm hành vi thứ hai:
- Hành vi khách quan: sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt dộng kinh doanh hoặc hoạt động khác.
- Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, người phạm tội biết tiền, tài sản mình sử dụng là tiền, tài sản do phạm tội mà có.
1.3. Nhóm hành vi thứ ba:
- Hành vi khách quan: che giấu nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó. Hành vi này có ý nghĩa hỗ trợ cho chu trình rửa tiền có thể được thực hiện trót lọt, tránh hoặc hạn chế sự kiểm soát, xử lý của các cơ quan chức năng.
- Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, người phạm tội biết rõ tiền, tài sản mà mình che giấu thông tin về nó hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó là tiền, tài sản do phạm tội mà có.
1.4. Nhóm hành vi thứ tư:
- Hành vi khách quan: thực hiện một trong các hành vi trên đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.
- Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.
2. Hình phạt đối với tội phạm rửa tiền được quy định tại điều 251 Bộ luật hình sự
- Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 1 năm đến 5 năm;
- Khung tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 3 năm đến 10 năm áp dụng cho các trường hợp có một trong những tình tiết tăng nặng sau: có tổ chức; lợ dụng chức vụ quyền hạn; phạm tội nhiều lần; có tính chất chuyên nghiệp; dụng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn; thu lợi bất chính; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm.
- Khung tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm áp dụng cho các trường hợp có một trong những tình tiết tăng nặng sau: tiền, tài sản phạm tội có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn; thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng
- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
>>> Xem thêm: