Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Tội phạm là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong số các nguyên tắc xử lý hành vi phạm tội thì nguyên tắc đầu tiên, quan trọng nhất được quy định tại khoản 1 điều 3 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung một số điều năm 2009 là “Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể vì lí do khách quan nào đó hay sự sơ suất của cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng mà tội phạm không được phát hiện kịp thời, thậm chí người phạm tội không biết mình đã phạm tội, sau một thời gian đủ dài theo quy định của pháp luật hình sự, người phạm tội không trốn tránh trách nhiệm, không trốn lệnh truy nã, không phạm thêm tội mới thì khi đó dù người phạm tội có bị phát hiện hay ra đầu thú thì cơ quan tố tụng cũng không có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự của họ nữa.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tại chương IV, BLHS 1999, sửa đổi bổ sung một số điều năm 2009.

Khái niệm thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo quy định tại khoản 1 điều 23 BLHS:“Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Phân loại thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, quy định tại khoản 2 điều 23 BLHS:

a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt  đối với tội ấy là đến ba năm tù (khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự). Ví dụ: Tội giết con mới đẻ (Điều 94); tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 95…..

b) Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt  đối với tội ấy là đến bảy năm tù (khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự). Ví dụ: Tội lây truyền HIV cho người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 117.....

c) Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù (khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự). Ví dụ: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 156….

d) Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây y nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự). Ví dụ: Tội phản bội tổ quốc thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 78; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 79; tội giết người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 93…..

Cách tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:

Căn cứ vào khoản 3 điều 23, “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện”.

Tuy nhiên, có hai trường hợp phải tính lại thời hiệu phạm tội, đó là:

  • Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 BLHS điều 23, người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.
  • Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.

Những trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:

Được quy định tại điều 24 BLHS, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không áp dụng với các tội xâm phạm anh ninh quốc gia quy định tại chương XI và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại chương XXIV Bộ luật này.

>>> Đọc thêm:



Tin liên quan

Hỗ trợ trực tuyến

HOTLINE :
0987337777

support LS Tú Anh
098 700 7777
support LS Trịnh Hậu
098 887 6556

Tin tức mới