Tái phạm, tái phạm nguy hiểm

Tái phạm, tái phạm nguy hiểm là trường hợp một người đã phạm tội một hay nhiều lần nhưng lại tiếp tục phạm tội. Chúng có thể là tình tiết định khung thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn của hành vi phạm tội hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vậy tái phạm, tái phạm nguy hiểm là gì và dựa vào dấu hiệu nào để nhận biết một trường hợp có phải là tái phạm, tái phạm nguy hiểm hay không?

Căn cứ pháp lý:

  • Điều 49 Bộ luật hình sự 1999, sủa đổi bổ sung một số điều năm 2009  
  • Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999.

1. Tái phạm:

1.1. Khái niệm:

Điều 49 BLHS quy định: Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

1.2. Dấu hiệu của tái phạm:

Theo đó, để xem xét người phạm tội có tái phạm hay không phải đảm bảo các dấu hiệu sau:

  • Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đã bị kết án và bản án đã kết án với họ chưa được xóa án tích.

Tội phạm mà người phạm tội đã phạm trước đó có thể là bất kể tội nào, không phụ thuộc vào loại tội nào, dấu hiệu lỗi. Tội phạm đó có thể là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng; có thể do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.
BLHS không quy định cụ thể như thế nào là “đã bị kết án” nên có thể dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau nhưng theo khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự, thuật ngữ “đã bị kết án” gắn liền với thuật ngữ “chưa được xóa án tích”. Vì vậy, có thể hiểu “đã bị kết án” là đã bị Tòa án tuyên bố phạm tội và áp dụng hình phạt do BLHS quy định, bất kể đó là hình phạt gì, không bao hàm trường hợp được miễn hình phạt và thời điểm được tính tái phạm khi bản án có hiệu lực pháp luật. Điều 7 quyết định 01/2000/QĐ-HĐTP cũng quy định “Người bị Toà án xử phạt với bất cứ hình phạt chính nào (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ...) chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý đều bị coi là tái phạm”.
Để xem xét một người là đã được xóa án tích hay chưa, ta phải căn cứ vào quy định về xóa án tích do Bộ luật Hình sự quy định tại các điều từ Điều 63 đến 67 Bộ luật Hình sự và Mục 11 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP. Việc chấp hành xong bản án bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án và người được xóa án tích được coi như chưa bị kết án.

  • Người phạm tội phạm tội mới do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Tội sau mà người phạm tội thực hiện có thể thuộc trường hợp tội ít ngiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; nếu là tội vô ý thì phải thuộc trường hợp tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

2. Tái phạm nguy hiểm:

2.1. Khái niệm:

BLHS không đưa ra khái niệm cụ thể về tái phạm nguy hiểm, nhưng ta có thể hiểu tái phạm nguy hiểm là dạng đặc biệt của tái phạm và một người bị coi là tái phạm nguy hiểm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
  • Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.

2.2. Dấu hiệu của tái phạm nguy hiểm:

Để coi một người là tái phạm nguy hiểm ngoài việc phải thỏa mãn các điều kiện về tái phạm, ta còn phải xét đến các dấu hiệu riêng thuộc hai trường hợp sau:

  • Đối với trường hợp thuộc khoản a điều 49 BLHS:

- Người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và bản án đã kết án với họ chưa được xóa án tích. 

Khác với tái phạm, trong tái phạm nguy hiểm, tội đã bị kết án không phải là bất kỳ loại tội nào, mà phải thuộc loại tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng. Lỗi của người phạm tội trong trường hợp này cũng phải là lỗi cố ý, họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả mà nó có thể xảy ra và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn nhưng để mặc hậu quả xảy ra.

- Người phạm tội phạm tội mới là tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

Mặc dù đã bị kết án một lần về tội cố ý gây nguy hại rất lớn, đặc biệt lớn cho xã hội, chưa được xóa án tích mà người phạm tội vẫn cố ý thực hiện thêm tội mới thuộc loại tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị coi là tái phạm nguy hiểm.

  • Đối với trường hợp thuộc khoản b điều 49 BLHS:

- Người phạm tội đã tái phạm, chưa được xóa án tích:

Một người bị coi là tái phạm khi có đầy đủ các dấu hiệu thuộc khoản 1 điều 49 BLHS như đã phân tích ở trên. Và thời hạn để được xóa án tích khi một người đã phạm tội, chưa được xoá án tích mà phạm tội mới được tính từ ngày chấp hành xong bản án mới.

- Người phạm tội phạm tội mới do cố ý:

Khi một người đã tái phạm và chưa được xóa án tích thì chỉ cần họ phạm tội mới do cố ý, bất kể thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì đều bị coi là tái phạm nguy hiểm.

>>> Xem thêm:



Tin liên quan

Hỗ trợ trực tuyến

HOTLINE :
0987337777

support LS Tú Anh
098 700 7777
support LS Trịnh Hậu
098 887 6556

Tin tức mới