Bắt nạt bạn yếu, chặn đầu, quây đánh... hay có tên gọi chung là bạo lực học đường, là hiện trạng rất phổ biến trong trường học hiện nay. Những vấn nạn này đang diễn ra và gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng, nhiều trường hợp đã có thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng của học sinh bị hành hung.
Theo quy định của pháp luật, khi đã có thiệt hại xảy ra, đương nhiên người gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc thậm chí là hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người thực hiện hành vi trái pháp luật lại là học sinh, đều thuộc đối tượng là người chưa thành niên hoặc trẻ em vì vậy việc truy cứu trách nhiệm sẽ phải áp dụng pháp luật khác với trường hợp người đã thành niên phạm tội.
Trách nhiệm dân sự
Chỉ cần có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản của học sinh bị hành hung thì trách nhiệm bồi thường được xác lập. Quy định của pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
Học sinh dưới mười lăm tuổi hành hung bạn học gây ra thiệt hại thì nhà trường nơi học sinh đó theo học có trách nhiệm bồi thường những tổn thất đã xảy ra căn theo Điều 559 Bộ luật Dân sự 2015: “Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.”; “Trường học… không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi… phải bồi thường”.
Học sinh từ đủ mười lăm tuổi gây ra thiệt hại thì phải tự chịu trách nhiệm theo khoản 2 Điều 586 BLDS: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.”
Trách nhiệm hình sự
Nếu hành vi hành hung bạn học có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì học sinh thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Hành vi phạm tội có thể phải chịu một trong các tội sau: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 104 BLHS); Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 108 BLHS); Tội giết người (Điều 93 BLHS); Tội vô ý làm chết người (Điều 98);…
- Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự người từ đủ 14 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, học sinh từ dưới 14 tuổi (tương đương với khoảng từ lớp 7, lớp 8 trở xuống theo chuẩn giáo dục Việt Nam) nếu gây ra thiệt hại thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm.
- Nguyên tắc xử lý hành vi phạm tội trong trường hợp này:
Mức độ trách nhiệm hành sự mà người học sinh phạm tội phải chịu sẽ thấp hơn so với người đã thành niên do nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội đã được quy định tại Điều 69 BLHS:
“1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
4. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.
5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.
Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.
Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.
6. Án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.”
>>> Bài viết quan tâm: