Hỏi: Điều kiện để một hành vi phòng vệ được coi là phòng vệ chính đáng?
Trả lời:
Phòng vệ chính đáng (PVCĐ) là một trong những điều kiện làm cho tính chất tội phạm của hành vi không còn nữa mà trái lại, nó được coi là có ích và được xã hội khuyến khích. Điều 15 BLHS năm 1999 định nghĩa: “PVCĐ là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.
Nhằm hạn chế những trường hợp lạm dụng việc PVCĐ để phạm tội, đồng thời khuyến khích công dân thực hiện quyền PVCĐ, BLHS năm 1999 và Nghị quyết số 02/HĐTP không chỉ quy định PVCĐ không phải là tội phạm mà còn quy định cụ thể cơ sở, nội dung và phạm vi của quyền PVCĐ như sau:
a) Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội;
b) Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ;
c) PVCĐ không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại;
d) Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự cũng như thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, có thể khái quát các điều kiện của PVCĐ bao gồm:
Điều kiện về cơ sở phát sinh quyền phòng vệ
- Hành vi xâm hại là hành vi trái pháp luật và là hành vi nguy hiểm đáng kể xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Trước hết, hành vi xâm hại phải là hành vi trái pháp luật; nếu là hành vi được pháp luật cho phép thì vấn đề phòng vệ đối với hành vi đó không được đặt ra. Hành vi xâm hại có thể có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng đó không phải điều kiện bắt buộc để phát sinh quyền phòng vệ vì có hành vi tuy không cấu thành tội phạm nhưng vẫn đòi hỏi phải được ngăn chặn kịp thời để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Ví dụ: Hành vi dùng dao đâm, chém người khác của những người không có năng lực trách nhiệm hình sự do mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Bên cạnh đó, PVCĐ đòi hỏi người phòng vệ phải có mục đích bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác. Mặt khác, không được thừa nhận là PVCĐ, hành vi của một người gây thiệt hại cho người có hành vi xâm hại nhưng hành vi xâm hại lại xuất phát từ sự khiêu khích của chính người gây thiệt hại. Ví dụ: Biết được mẹ của B ngoại tình, A đã cố ý trêu ghẹo B về việc này trước mặt bạn bè. Vì quá bực tức, B đã xông vào đánh A nhưng lại bị A đánh trọng thương. Trường hợp này, hành vi của A không thể coi là PVCĐ mà phải là cố ý gây thương tích do việc B tấn công A xuất phát từ chính sự khiêu khích của A trước đó.
- Hành vi xâm hại là hành vi đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc.
Quyền PVCĐ của công dân phát sinh khi hành vi gây thiệt hại đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra ngay tức khắc, trực tiếp đe dọa các lợi ích được pháp luật bảo vệ và tồn tại cho đến khi hành vi xâm hại đó kết thúc. Sự phòng vệ khi hành vi xâm hại chưa xảy ra hoặc chưa đe dọa sẽ xảy ra ngay tức khắc (Khoa học luật hình sự gọi là phòng vệ quá sớm) cũng như hành vi phòng vệ khi hành vi xâm hại đã thực sự chấm dứt (Phòng vệ quá muộn) đều không được coi là PVCĐ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, có thể có hành vi phòng vệ xảy ra sau khi sự tấn công đã kết thúc vẫn được coi là phòng vệ nếu sự phòng vệ đó đi liền ngay sau sự tấn công và có thể khắc phục được thiệt hại do sự tấn công đã gây ra. Ví dụ: Người bị cướp giật đã đuổi theo và dùng vũ lực chống lại kẻ cướp giật để lấy lại tài sản.
Điều kiện về nội dung của quyền phòng vệ
Sự chống trả của người PVCĐ phải nhằm vào chính người tấn công, vì chỉ có như vậy mới đạt được mục đích của PVCĐ là ngăn chặn một cách tích cực sự tấn công, hạn chế thiệt hại do sự tấn công đó đe dọa gây ra. Đồng thời, thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra cho người có hành vi xâm hại phải là thiệt hại về thể chất như tính mạng, sức khỏe thì hành vi đó mới được thừa nhận là PVCĐ. Sự chống trả gây thiệt hại cho người tấn công của người phòng vệ có thể trực tiếp vào tính mạng, sức khỏe, tự do của người tấn công hoặc có thể nhằm vào công cụ, phương tiện mà người đó sử dụng. Ví dụ: bắn hỏng xe máy mà tên cướp sử dụng làm phương tiện đi cướp tài sản.
Điều kiện về phạm vi của quyền phòng vệ
Điều 15 BLHS năm 1999 sử dụng thuật ngữ “cần thiết” để quy định về phạm vi của quyền PVCĐ. Để xác định giới hạn cần thiết của PVCĐ, cần căn cứ vào các yếu tố như: khách thể cần bảo vệ; mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại; cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc …
Sau khi đã xem xét một cách toàn diện, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, hành vi phòng vệ ở mức độ cần thiết, “không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại” thì hành vi đó là hành vi PVCĐ. Ngược lại, nếu nhận thấy rõ ràng “người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức đối với người có hành vi xâm hại” thì hành vi chống trả bị coi là vượt quá giới hạn PVCĐ.
Công ty Luật Đại Dương Long rất mong sẽ nhận được sự ủng hộ cũng như đóng góp ý kiến của quý khách hàng để chất lượng dịch vụ của công ty ngày càng hoàn thiện hơn.
Công ty Luật Đại Dương Long
- 38/295 Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Điện thoại: (+84) 3625 2358 – fax: (+84) 3863 1046
- Hotline : 091 514 9999
- Email: contact@luatdaiduonglong.com