Câu hỏi: Quyền dự họp của thành viên Hội đồng quản trị không có quyền biểu quyết
Trả lời:
Cơ sở pháp lí:
- Luật doanh nghiệp 2014
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 162 Luật doanh nghiệp 2014:
“ Điều 162. Hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận
- Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty kí hợp đồng phải thông báo các thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời gian khác; thành viên có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết”
Theo quy định này, thì khi biểu quyết các giao dịch tư lợi với người có liên quan thì thành viên có liên quan không có quyền biểu quyết.
Tuy nhiên Luật doanh nghiệp 2014 tại Khoản 6 Điều 153 về cuộc họp Hội đồng quản trị lại quy định: “Thông báo mời họp được gửi bằng đường bưu điện, fax, thư điện tử hoặc phương tiện khác, nhưng phải đảm bảo đến được địa chỉ liên lạc của từng thành viên Hội đồng quản trị được đăng kí tại công ty” và Khoản 10, Điều 153 về cuộc họp Hội đồng quản trị của Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Thành viên phải tham dự đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng quản trị. Thành viên được ủy quyền cho người khác dự họp nếu được đa số thành viên Hội đồng quản trị chấp thuận”.
Như vậy, khi tiến hành họp Hội đồng quản trị để thông qua hợp đồng trên, thành viên Hội đồng quản trị liên quan vẫn có quyền tham dự cuộc họp. Trong trường hợp giao dịch tư lợi, Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ tước quyền biểu quyết của thành viên Hội đồng quản trị liên quan đến giao dịch chứ không tước quyền dự họp và thảo luận tại cuộc họp của thành viên Hội đồng quản trị.
Theo phân tích ở trên, thành viên Hội đồng quản trị có liên quan đến giao dịch tư lợi theo Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2014 không có quyền biểu quyết nhưng vẫn được bảo lưu quyền dự họp nên khi tiến hành họp Hội đồng quản trị người triệu tập họp vẫn phải mời thành viên có liên quan này.
Khoản 8 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Cuộc họp Hội đồng quản trị được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp. Trường hợp cuộc họp được triệu tập theo quy định khoản này không đủ số thành viên dự họp theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, trừ trường hợp Điều lệ quy định thời hạn khác ngắn hơn. Trong trường hợp này, cuộc họp được tiến hành, nếu có hơn một nửa số thành viên Hội đồng quản trị dự họp”.
Các quy định này phản ánh tư duy của các nhà làm luật là: Điều kiện tiến hành cuộc họp Hội đồng quản trị được tính toán dựa trên tổng số thành viên Hội đồng quản trị chứ không dựa trên số thành viên có quyền biểu quyết. Do đó, nếu chiếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 thì nếu thành viên Hội đồng quản trị trong tình huống trên không đến dự họp thì cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành vì mới chỉ có 2/3 số thành viên Hội đồng quản trị dự họp. Tuy nhiên, nếu tiến hành cuộc họp Hội đồng quản trị lần thứ hai thì kể cả thành viên có liên quan đến giao dịch không đến dự họp, cuộc họp này vẫn đủ điều kiện tiến hành vì cuộc họp lần thứ hai chỉ cần hơn một nửa số thành viên Hội đồng quản trị tham dự.