Xử phạt hành vi rải đinh trên đường quốc lộ

Bị rải đinh bẫy xe đã không còn xa lạ với những lái xe đường dài trên các tuyến đường quốc lộ. Những xe bị đụng phải đinh nếu may mắn thì chỉ bị thủng lốp, nếu kém may mắn có thể mất lái xảy ra tai nạn, thậm chí nghiêm trọng hơn còn có thể bị tai nạn chết người. Vẫn biết hậu quả nguy hiểm của hành vi rải đinh này gây ra, cũng như quy định xử phạt của pháp luật nhưng các “đinh tặc” không hiểu vì lý đo gì vẫn ngấm ngầm đặt đinh, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của những người điều khiển phương tiện giao thông.


Xử phạt hành chính

Đứng trước thực trạng này, pháp luật Việt Nam đã phải thay đổi quy định về xử lý hành vi rải đinh trên đường. Cụ thể là trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi rải đinh bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu, thì tới Nghị định 46/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 171/2013, mức phạt đã tăng lên từ 6 đến 8 triệu đồng:

“Khoản 6 Điều 11: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a)Ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông;”

Sau khi bị xử phạt hành chính, người có hành vi vi phạm còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 8 Điều 11 Nghị định 46/2016 là: “Buộc phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn, dây hoặc các vật cản khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.”. “khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi” tức là khi có tai nạn do hành vi rải đinh gây ra khiến cho dải phân cách, thanh chắn, cột mốc đường, nhà dân…. bị hư hại thì người thực hiện hành vi rải đinh phải sửa chữa, khôi phục những vật đã bị hư hại.  

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Khi tai nạn giao thông xảy ra do hành vi rải đinh gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người bị tai nạn, thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về tội Cản trở giao thông đường bộ.

Theo quy định của Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông thì hành vi rải đinh được hiểu là Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ, cụ thể:

Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 203 Bộ luật hình sự là hành vi đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ hoặc di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ; phá hoại hệ thống thoát nước thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; căng dây ngang đường và các hành vi tương tự khác.” (khoản 5 Điều 4)

Như vậy, người phạm tội rải đinh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm h khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự:

"1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ;

b) Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ;

c) Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ;

d) Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách;

đ) Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường;

e ) Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ;

g) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ;

h) Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm." 

>>> Xem thêm



Tin liên quan

Hỗ trợ trực tuyến

HOTLINE :
0987337777

support LS Tú Anh
098 700 7777
support LS Trịnh Hậu
098 887 6556

Tin tức mới