Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định người lao động gặp tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý thì được xem là tai nạn lao động. Vì thế người lao động sẽ được hưởng trợ cấp từ người sử dụng lao động theo mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.
Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2016 quy đinh trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi người lao động bị tai nạn lao động có khoản 2 như sau:
“Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 38 của Luật này.”
Điều khó xác định ở đây là như thế nào thì được coi là tuyến đường và thời gian hợp lý, cơ quan nào sẽ có trách nhiệm công nhận vấn đề này?
Theo Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH việc xác định địa điểm và thời gian hợp lý sẽ được “căn cứ theo hồ sơ giải quyết vụ tai nạn của cơ quan công an hoặc giấy xác nhận của chính quyền địa phương hoặc giấy xác nhận của công an khu vực tại nơi xảy ra tai nạn”. Quy định này của Thông tư 04/2015 thực chất chỉ là căn cứ pháp lý chứng minh người lao động có xảy ra tai nạn khi đang trên đường từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại. Còn để lý giải từ “hợp lý” thì pháp luật lao động chưa đề cập đến.
Dựa vào thực tế những vụ việc đã xảy ra, tuyến đường được coi là “hợp lý” khi đó là tuyến đường mà người lao động thường xuyên đi từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, là tuyến đường mà người lao động hằng ngày đến nơi làm việc đi qua. Thời gian được coi là “hợp lý” khi đó là thời gian người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại trong ngày phải đi làm.
Khi đã có căn cứ xác định người lao động chết trên đường đi làm là tai nạn lao động, thì thân nhân của người lao động đã mất sẽ có quyền yêu cầu Người sử dụng lao động trợ cấp theo quy định tại khoản 5 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động: “Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;”
Cụ thể Khoản 4 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định “Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”
Như vậy, khi Người lao động chết trên đường đi làm và có đủ căn cứ pháp lý chứng minh đó là tai nạn lao động thì thân nhân Người lao động sẽ được nhận ít nhất 12 tháng tiền lương (tiền lương mà Người lao động khi còn sống được hưởng)
Tiền lương để làm cơ sở thực hiện khoản trợ cấp trên “bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.” (theo khoản 10 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động)
Điều 6 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết tiền lương dùng làm cơ sở thực hiện trợ cấp như sau:
“1. Tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi tai nạn lao động xảy ra hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp. Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động, thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.
2. Mức tiền lương tháng quy định tại Khoản 1 Điều này được xác định cụ thể theo từng đối tượng như sau:
a) Đối với công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân thì tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
b) Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương ghi trên hợp đồng lao động, bao gồm cả tiền lương theo công việc, chức danh và phụ cấp lương (nếu có);
c) Đối với người lao động đang trong thời gian học nghề, tập nghề tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có mức lương học nghề, tập nghề thì tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố tại địa điểm người lao động làm việc; trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có mức lương học nghề, tập nghề thì tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường, trợ cấp cho người lao động đang trong thời gian học nghề, tập nghề là tiền lương học nghề, tập nghề do hai bên thỏa thuận;
d) Đối với người lao động đang trong thời gian thử việc, tập sự thì tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận theo quy định tại Điều 28 của Bộ luật lao động hoặc tiền lương tập sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.”
>>> Bài viết quan tâm