Tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Khái niệm “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”:

Điều 19 BLHS có quy định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản”.

Điều kiện của sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:

Vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội chỉ đặt ra với tội cố ý trực tiếp . Đối với tội cố ý gián tiếp hay vô ý, người phạm tội không có chủ đích, mong muốn tội phạm xảy ra nên không thể đặt ra vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội trong trường hợp này được. Theo luật hình sự Việt Nam, chỉ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi thỏa mãn những điều kiện sau:

  • Người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm nhưng chưa thực hiện được đến cùng:

Để xác định một trường hợp có vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội hay không, thì điều trước hết phải xem xét là việc phạm tội đó được dừng lại ở giai đoạn nào.

Về mặt lý luận, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ xảy ra trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở giai đoạn chưa hoàn thành và chuẩn bị phạm tội quy định tại điều 17 và điều 18 BLHS. Ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, người phạm tội mới chỉ chuẩn bị được những điều kiện bên ngoài, còn với phạm tội chưa đạt giai đoạn chưa hoàn thành, người phạm tội đang thực hiện nhưng chưa hoàn thành việc phạm tội. Do vậy, việc dừng lại hành vi phạm tội trong hai trường hợp này có tác dụng ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xảy ra nếu như tiếp tục thực hiện tội phạm đến cùng.

Khi tội phạm đã ở giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành thì cũng có nghĩa là người phạm tội đã thực hiện hết những hành vi mong muốn, hậu quả của tội phạm tuy chưa xảy ra nhưng sẽ xảy ra mà không đòi hỏi người phạm tội phải có hành vi tiếp tục. Còn khi tội phạm đã hoàn thành, hành vi phạm tội đã có đầy đủ những đặc điểm thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện. Do vậy, không thể  có việc tự ý dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm ở hai trường hợp này.

  • Hành vi chấm dứt việc phạm tội phải tự nguyện và dứt khoát:

Để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, việc chủ thể dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm phải hoàn toàn do động lực bên trong như nhận thức được hành vi của mình, hối hận, lo sợ bị phát hiện…mà dừng lại chứ không phải do trở ngại khách quan nào chi phối. Khi dừng lại, người phạm tội vẫn tin rằng không có gì ngăn cản và có thể thực hiện tiếp được tội phạm.  Việc dừng lại phải là sự thể hiện của việc từ bỏ hẳn ý định phạm tội chứ không phải là thủ đoạn để tiếp tục thực hiện tội phạm.

Trách nhiệm hình sự trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:

Theo quy định tại điều 19 BLHS:

  • Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm”.

Khi tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội có nghĩa là người phạm tội đã hoàn toàn từ bỏ ý định pham tội đến cùng của mình, hành vi của người đó cũng chưa thỏa mãn hết dấu hiệu trong cấu thành tội phạm của tội định phạm. Do vậy, hành vi của người tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội được coi như đã mất tính nguy hiểm của loại tội định thực hiện và người đó sẽ được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm.

  • Tuy nhiên, “nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”.

Miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này chỉ là miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội họ định phạm, còn hành vi của họ trên thực tế cấu thành tội gì thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ấy. Nếu hành vi của họ không cấu thành tội nào được quy định trong Bộ luật hình sự thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự và trong trường hợp này tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được coi là một trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.

>>> Bài viết quan tâm:



Tin liên quan

Hỗ trợ trực tuyến

HOTLINE :
0987337777

support LS Tú Anh
098 700 7777
support LS Trịnh Hậu
098 887 6556

Tin tức mới